Năm điều cần tránh với lốp xe hơi
Không nên mua lốp quá thời hạn sử dụng và đừng bơm quá căng cũng như để quá non. Tất cả những điều trên đều ảnh hưởng tới vận hành cũng như an toàn của hành khách.
Tình trạng lốp xe khi đang vận hành là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến độ an toàn và các thông số kỹ thuật liên quan. Lốp xe chịu tác động lực rất lớn mỗi khi tăng, giảm tốc hoặc hãm phanh đồng thời với quyết định của lái xe trong tình trạng khẩn cấp.
Dưới đây là 5 điều cần tránh đối với lốp xe.
1. Lốp quá “đát”
Trên thành lốp bao giờ cũng có 1 dãy mã số (bắt đầu bằng cụm DOT) và kết thúc bằng 4 chữ số. Đó chính là các con số chỉ ngày tháng năm sản xuất. Chẳng hạn nếu 4 chữ số cuối dãy là 2305, có nghĩa là lốp này xuất xưởng vào tuần thứ 23 của năm 2005. Vì được làm bằng cao su, nếu để quá lâu, lốp xe sẽ không còn tốt như khi mới được sản xuất.
Một chiếc lốp quá “đát” thường bị mờ dãy số này, cho dù nhìn bề ngoài thì có vẻ như lốp vẫn sử dụng “ngon”. Khi đã quá hạn sử dụng có nghĩa là lốp đã mất hết những tính năng vốn có. Nhà sản xuất đã lường trước điều này và khuyên rằng kể cả những chiếc lốp mới không dùng mà chỉ cất trong kho nhưng đã hết hạn sử dụng thì xem như đã kết thúc vòng đời.
Nguyên tắc khi mua lốp là không quá 5 năm kể từ ngày sản xuất, cộng với 5 năm sử dụng cho xe là đến lúc thay mới. Tuổi thọ của cao su không còn đảm bảo nếu vượt quá thời gian này.
2. Lốp non hơi
Chạy xe với chiếc lốp non hơi chẳng khác nào để lốp xe dưới một lò lửa. Gần như toàn bộ áp lực chuyển động và sức nặng của xe dồn vào chiếc lốp thiếu độ căng cần thiết. Ma sát sinh ra đốt cháy cao su và sợi tổng hợp khiến lốp bị biến dạng. Lái xe cần chú ý đến thông số về áp suất hơi phù hợp in trên thành lốp. Lượng khí tiêu chuẩn có tác dụng giữ cho ta-lông và thành lốp không lệch hay méo mó. Việc chuẩn bị một chiếc bơm chân trong hộp đồ và thường xuyên kiểm tra độ căng của lốp là rất cần thiết.
3. Lốp quá căng
Áp suất căng hơi được in trên thành lốp chính là mức áp suất cực đại cho phép với lượng khí bên trong lốp xe. Vượt quá mức này có nghĩa là lốp quá căng. Điều này tưởng đơn giản nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình vận hành xe. Phanh tay sẽ dễ mất tác dụng và ta-lông lốp có xu hướng bị lệch.
4. Lốp rạn nứt
Cấu tạo chủ yếu của lốp xe là cao su. Hợp chất cao su rất dễ bị hư hại bởi tia tử ngoại, ánh sáng mặt trời và hoá chất. Việc tránh để xe dưới trời nắng đồng nghĩa với việc bảo vệ lốp xe khỏi hiện tượng rạn nứt vì tia tử ngoại.
Với lốp chưa sử dụng nhất thiết tránh để lốp gần các thiết bị phát điện, các chất hoá học hoặc những nơi nó nhiệt độ cao. Mặc dù mặt ngoài của lốp được bôi một lớp dầu bảo vệ song quá trình vận chuyển làm nó bị khô đi. Thỉnh thoảng nên kiểm tra lốp dự phòng và bôi lớp dầu bảo vệ.
5. Lốp bị vật nhọn đâm thủng
Tất cả các tác động của vật từ bên ngoài vào lốp xe đều có thể là nguyên nhân gây ra hỏng lốp như thủng, mòn hoặc bị xẻ. Bất cứ sự mất cân bằng nào cũng gây ảnh hưởng đến vành và bánh xe. Việc sửa chữa ngay tức khắc khi có ngoại vật đâm vào lốp xe là yêu cầu cần thiết. Một miếng vá tạm thời không những giúp lốp xe giữ hơi mà còn ngăn cản nước xâm nhập. Nếu như không có điều kiện vá lốp ngay tức khắc, lái xe cần tránh đi vào nước và dừng ngay khi lốp quá non.
Khánh An (theo Mechanics)